Có hãng ra đi, có hãng tăng trưởng và
có hãng nhăm nhe đặt chân tới, Việt Nam là thị trường môtô nhiều ẩn số,
tiềm ẩn cả cơ hội và rủi ro do những rào cản chính sách.
Tháng 12/2009, Ducati trở thành hãng môtô phân khối lớn châu Âu đầu
tiên đặt chân tới Việt Nam. Sau 3 năm, hãng này mở rộng ra Hà Nội bằng
đánh giá "thị trường không nhỏ như vẫn tưởng" của ông Tổng giám đốc
Bradley Lalonde.
Không như Ducati, hãng xe Mỹ Harley Davidson gia nhập thầm lặng và đến cuối 2013 mới có thể khai trương showroom đầu tiên.
Tháng 8 năm nay, hãng xe Áo KTM nối bước Ducati bằng việc chỉ định nhà
phân phối. KTM đang cố gắng mở đồng thời showroom ở Hà Nội và TP HCM
bằng sự sốt sắng chưa từng có.
Với dân số 90 triệu và thu nhập đầu người trên 1.000 USD, tổng số xe
nhập khẩu mỗi năm ở Việt Nam chỉ khoảng 1.000 chiếc (đa phần không chính
hãng), quá nhỏ so với 10.000 xe phân khối lớn được bán ra ở Thái Lan.
Tổng nhu cầu phân khối lớn trên thế giới khoảng hơn 100.000 xe mỗi năm.
Honda CB1000 Repsol - mẫu xe môtô 1.000 phân khối được các nhà nhập khẩu đưa về thị trường Việt Nam. |
Nhu cầu không phải là trở ngại chính, bởi thị trường gần như chưa có
gì, cơ hội nhiều. Những đối tác trong nước của Ducati, KTM đều xuất phát
từ giới kinh doanh xe hơi nhiều năm. Người đứng sau Ducati Hà Nội là
một trong những tên tuổi già trong giới kinh doanh xe sang. KTM cũng tập
hợp những cá nhân đầy kinh nghiệm phân phối ôtô. Vì vậy, họ có cơ sở để
nhận ra cơ hội.
Giới hạn gắt gao nhất nằm ở chính sách cấp bằng A2, dành cho người điều
khiển xe có dung tích động cơ từ 175 phân khối trở lên. Anh Tuấn Khanh,
ngụ tại quận Bình Thạnh mới mua một chiếc Kawasaki Z1000, chia sẻ đủ
tiền mua xe đã khó, đủ điều kiện để có bằng A2 còn khó hơn.
"Đắt ngang xe hơi, nhưng môtô đăng ký xong phải đắp chiếu chờ thi bằng.
Bởi theo quy định phải có xe mới được đăng ký thi A2 nên kiểu gì xe
cũng phải nằm chờ người một thời gian. Mất công giải thích cho gia đình
về chuyện xe để hoài không đi. Vợ thì nhăn nhó. Nếu không đam mê thì chỉ
có cách bán sớm", anh Khanh cho biết.
Để tham gia thi lấy bằng, người dân bình thường phải là thành viên của
câu lạc bộ môtô thuộc Liên đoàn xe đạp-môtô, có giấy chứng nhận và giấy
giới thiệu tham gia lớp học của Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch. Với những
cửa ải này, tính riêng TP HCM trong 5 năm (đến 2012) mới chỉ cấp 1.600
bằng A2. Một thị trường cởi mở, chịu chơi như TP HCM thì con số chỉ hơn
300 bằng A2 cấp mới mỗi năm giới hạn nhu cầu rất nhiều.
Ngoài bằng A2 thì chính sách thuế đánh vào xe phân khối lớn cũng đang
làm giá xe ở mức quá cao so với thu nhập bình quân. Thuế nhập khẩu xe
máy hiện là 75%, thuế tiêu thụ đặc biệt 20% (dành cho xe trên 125 phân
khối) và GTGT 10%. Tính chung giá xe sau thuế sẽ gấp 2,3 lần giá gốc.
Một chiếc Ducati Diavel nhập từ Thái Lan chính hãng có giá tới 29.000
USD, đắt hơn cả Honda City.
Mức giá cao khiến các đơn vị nhập khẩu tìm cách né bằng những chiêu
khai giá thấp hơn thực tế, tạo ra cạnh tranh không lành mạnh. Riêng
Ducati nhận ra tiềm năng của khu vực châu Á nên chuyển nhà máy sang Thái
Lan lắp ráp, giảm giá thành và tranh thủ mức thuế ưu đãi từ các hiệp
định thương mại khu vực. Cùng mẫu Diavel khi nhập từ Thái Lan rẻ hơn tới
12.000 USD so với từ châu Âu.
Hàng chục chiếc môtô với dung tíchxi-lanh 200 phân khối được chính hãng đưa về Việt Nam, với thay đổi trong việc cấp bằng lái hạng A2 sắp tới, sẽ dễ dàng hơn cho các nhà phân phối bán xe. |
Với lợi thế một chút về giá, Ducati
tiết lộ tăng trưởng mỗi năm ở Việt Nam đạt mức 2 con số. Hãng này tiếp
tục mở rộng khi đang tìm kiếm mặt bằng showroom mới tại Sài Gòn, dự định
sẽ đưa thêm hai mẫu xe mới về Việt Nam vào năm sau bên cạnh các mẫu
Ducati Monster 795, Diavel, Multistrada hay Hypermotard trình làng vào
tháng sau.
Không được may mắn như đối thủ đến từ Italy, Kawasaki âm thầm rút khỏi
thị trường trong khi đang dẫn đầu ở Thái Lan với hơn 45% thị phần. Hiện
Suzuki là nhà sản xuất Nhật Bản duy nhất có mặt trong phân khúc thị với
"chim ưng" Hayabusa hay dòng maxiscooter bán chạy tại châu Âu.
Trong một môi trường khó khăn, ai tạo ra khác biệt sẽ có lợi thế.
Ducati liên kết chặt chẽ với các câu lạc bộ tổ chức offline kết nối các
thành viên, tạo nên sự hiểu biết và niềm đam mê. KTM cũng đang có những
bước xâm nhập tương tự. Harley thành lập hội HOG với những thành viên
trung thành.
"Xe phân khối lớn không như các mặt hàng khác. Đôi khi quyết định của
khách dựa trên niềm đam mê chứ không phải giá tiền. Ai nắm được quy luật
đó sẽ thắng", anh Mạnh Dũng, người có hơn 10 năm kinh doanh xe máy tại
Hà Nội nhận định.
Nhưng đó chỉ là điều kiện cần. Với những người bỏ tiền ra làm đại lý
chính hãng, để có bước phát triển tốt và bền vững, chỉ còn cách kỳ vọng
vào chính sách bằng A2.
Ông Trịnh Khắc Tánh, đại diện kinh doanh một hãng môtô tại Việt Nam cho
rằng mới đây, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải thực hiện việc đào
tạo, sát hạch và cấp phép lái xe môtô hạng A2 theo đúng Luật Giao thông
đường bộ được các nhà phân phối đặt nhiều hy vọng mở cánh cửa thị trường
đầy tiềm năng.
Tạp chí xe Máy
Quảng cáo được tài trợ
Trung tâm sơn, sửa xe Sài Gòn
Đ/c: 318 Hoàng Văn Thụ, P.4, Q.Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0983 801 891 - 0903 801 891
Email: AnPhucHCM@gmail.com - SonXeSaiGon@gmail.com
Website: www.SuaXeSaiGon.com - www.SonXeSaiGon.vn
Facebook: www.Facebook.com/SuaXeSaiGon
Chúng tôi chuyên thực hiện: sơn, sửa, tân trang, thay mới phụ tùng các loại xe số, tay ga Honda, Yamaha, Suzuki, SYM,...
Liên hệ Quảng cáo - 0938 91 97 39
Post a Comment
Dịch vụ cấp cứu xe khi gặp sự cố trên đường.
Vui lòng gọi 0903 801 891 - 0983 801 891